Chân dung người thuyền trưởng đưa con tàu “Nước Mắm Phú Quốc” ra thế giới

Thuở còn thơ cho đến khi trưởng thành, chị Nguyễn Thị Tịnh luôn được bố mẹ nuôi dạy hướng về cội nguồn quê cha đất tổ. Quê hương trong nỗi nhớ ngóng vọng là làng biển thơ mộng, giàu truyền thống khoa bảng, làng chiến đấu kiểu mẫu thời chống Pháp – Làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch đã ăn sâu trong tiềm thức của chị và nuôi dưỡng những ước mơ đẹp để chị thành công như ngày hôm nay.
Ngay từ nhỏ, chị đã theo ba mẹ tới xưởng làm nước mắm của gia đình. Khi đó, chị được dạy cách chọn cá, làm cá, ướp cá…và hơn ai hết chị hiểu những khó khăn vất vả của người làm ra từng giọt nước mắm. Vào năm 18 tuổi chị được cha mẹ tin tưởng giao toàn bộ cơ sở sản xuất cũng như bí quyết, kinh nghiệm làm nước mắm của gia đình. Tiếp nối nghề gia truyền, sau gần 30 năm, chị cũng đã có một cơ ngơi khá vững chắc với cơ sở sản xuất nước mắm Thanh Quốc được thành lập năm 1993.

Chị kể: “Việc nối nghiệp của tôi như một cái duyên được sắp đặt từ trước. Gia đình có 6 anh chị em, nhưng cha mẹ lại chỉ truyền nghề cho tôi và chỉ mình tôi theo nghề của ông bà để lại”. Vì thế chị quyết tâm sẽ kiên trì với nghề, không để cho nghề gia truyền bị mai một. Tuy nhiên, có cơ hội đi nhiều nơi, chị nhận ra rằng, nói đến Phú Quốc không thể không nói đến nước mắm nhưng để hiểu và gìn giữ thương hiệu nước mắm Phú Quốc như là tài sản của quốc gia thì không hề đơn giản. Dù nghề làm nước mắm tại Phú Quốc có lịch sử trên 200 năm, thế nhưng chưa có một tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất. Nghĩ là làm, chị vận động một số doanh nghiệp có uy tín trong nghề tham gia thành lập Hội Nước mắm Phú Quốc.

Thành công đầu tiên đã đến với chị, tháng 10 năm 2000 theo Quyết định số 220/QĐ-UB ngày 22-10-2000 của UBND huyện Phú Quốc, Hội Nước mắm Phú Quốc được thành lập với gần 68 hội viên là các doanh nghiệp và chị Nguyễn Thị Tịnh được bầu làm Chủ tịch Hội. Hội Nước mắm Phú Quốc là một tổ chức hội nghề nghiệp của những doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trong phạm vi huyện Phú Quốc.

Hội được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện – hợp tác – bình đẳng và cùng có lợi, hợp tác liên kết với nhau để tăng cường sự đoàn kết hợp tác trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, bảo vệ giữ gìn uy tín, danh tiếng và những giá trị truyền thống của nước mắm Phú Quốc. Chị Tịnh cho biết, toàn đảo hiện có 104 nhà thùng làm nước mắm, sản lượng bình quân đạt khoảng 25-30 triệu lít mỗi năm, trong đó có 20 triệu lít đạt 30 độ đạm. Mỗi năm xuất khẩu ra nước ngoài khoảng 3 triệu lít.

Từ lúc thành lập đến nay, Hội đã đóng góp nhiều công sức để phát triển sản xuất, góp phần giúp gia tăng sản lượng từ 5-7 triệu lít/năm (năm 2000) lên con số trên 25 triệu lít/năm hiện nay. Đặc biệt, vào năm 2000 Công ty Unilever (một trong những Tập đoàn tiêu dùng và thực phẩm lớn nhất thế giới có mặt trên 100 quốc gia) đã chọn đầu tư vào sản phẩm nước mắm nơi đây.

Người đầu tiên họ nghĩ đến là chị Nguyễn Thị Tịnh. Mời chị làm đối tác, Unilever muốn tạo ra dòng sản phẩm truyền thống nhưng được áp dụng công nghệ hiện đại với tên gọi Knorr Phú Quốc. Tuy nhiên, đi đến sự thỏa thuận hợp tác phải có sự bàn bạc và suy nghĩ rất kỹ bởi nhiều hội viên phản đối gay gắt và cho rằng việc hợp tác với công ty nước ngoài sẽ làm mất đi thương hiệu Phú Quốc. Song với bản lĩnh quyết đoán, cuối cùng chị cũng tìm lối ra bằng việc quyết định hợp tác với Unilever thông qua việc thành lập công ty liên doanh mang tên Công ty TNHH Quốc Dương do chị làm Giám đốc điều hành. Công ty có trách nhiệm thu mua nước mắm từ các nhà thùng ở Phú Quốc, sau đó xử lý sản phẩm theo những tiêu chuẩn công nghiệp rồi đóng chai.

Năm 2002, sản phẩm nước mắm Knorr Phú Quốc ra đời, mở đầu cho thị trường nước mắm cao cấp mang hương vị đặc trưng Phú Quốc. Sản phẩm ngay lập tức chiếm được tình cảm của người tiêu dùng và niềm vui của chị được nhân lên. Việc xây dựng một nhà máy sản xuất và đóng chai nước mắm ngay tại đảo Phú Quốc, càng khuyến khích các cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo phát triển.

Nói đến thành công lớn nhất của chị là phải nói đến việc nước mắm Phú Quốc – Sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại Liên minh châu Âu. Ngày 11-10-2012, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố trên công báo của EU quy định về việc đăng bạ tên gọi xuất xứ “Phú Quốc“ cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Quy định trên có hiệu lực 20 ngày sau ngày công bố, tức là kể từ ngày 31-10-2012 và như vậy sản phẩm nước mắm Phú Quốc sẽ được bảo hộ tên gọi xuất xứ trên toàn bộ lãnh thổ các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Việc đăng bạ thành công tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” tại EU cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc là kết quả hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên (MUTRAP) cho Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc với sự hợp tác, giúp đỡ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và UBND tỉnh Kiên Giang.

Theo chị Nguyễn Thị Tịnh, việc đăng bạ thành công tên gọi xuất xứ cho nước mắm Phú Quốc sẽ mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc vì sẽ kiểm soát được hàng nhái, hàng giả nước mắm Phú Quốc khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. Những kết quả này đã góp phần làm nên tên tuổi nước mắm Phú Quốc vươn xa ra các nước trên thế giới, nhất là châu Âu, châu Mỹ.

Cũng có những niềm vui và nỗi buồn như bất kỳ người phụ nữ nào khác, chị Nguyễn Thị Tịnh cũng phải chịu áp lực từ nhiều phía để cân bằng giữa sự nghiệp, hạnh phúc gia đình và thời gian cho bản thân. Nhưng với tâm huyết, bản lĩnh cũng như sự quyết đoán của một người phụ nữ năng động và nghị lực, chị đã vượt qua tất cả để thực hiện ước mơ của mình.

Giờ đây, chị đã có thể tự hào về những thành quả đã đạt được, là Giám đốc của doanh nghiệp Thanh Quốc và Công ty TNHH Quốc Dương, lại vừa kiêm chức Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, chị còn có một gia đình hạnh phúc. Với những nỗ lực của bản thân, phần thưởng lớn dành cho chị là bằng khen của Hội LHPN Việt Nam trao tặng và danh hiệu “Nữ doanh nhân tiêu biểu” của tỉnh Kiên Giang.

Nói về công lao to lớn của chị Nguyễn Thị Tịnh, trong cuốn kỷ yếu “Nước mắm Phú Quốc từ truyền thống đến hội nhập” có những dòng trân trọng: “…Nói đến sự phát triển của Hội nước mắm Phú Quốc, không thể quên được vai trò của người phụ nữ lãnh đạo đã dẫn dắt Hội đương đầu với bao thăng trầm, khó khăn và vất vả kể từ khi thành lập cho đến ngày hôm nay, đó là chị Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc. Người được toàn thể hội viên tín nhiệm và đề nghị giữ chức Chủ tịch Hội 4 nhiệm kỳ liên tiếp (2000- 2013), đây có lẽ cũng là một kỷ lục khó phá được trong vai trò lãnh đạo của các hiệp hội ở Việt Nam..”. Sự thành công của chị cũng đã vinh danh mảnh đất và con người Quảng Bình, làm rạng rỡ truyền thống của quê hương “Hai giỏi”.

Trong những lần hiếm hoi về thăm quê, được thắp những nén hương lên phần mộ họ nội và họ ngoại, chị Nguyễn Thị Tịnh xúc động chia sẻ: “Trong ký ức của mình, Cảnh Dương là một làng biển nhỏ và nghèo, quanh năm, ngư dân chỉ có mấy chiếc thuyền đánh bắt gần bờ kiếm sống. Nhưng trong những lần về thăm quê gần đây, chứng kiến được sự chuyển mình, khởi sắc nhanh chóng của quê hương, tôi thấy tự hào là một người con của Cảnh Dương. Tôi mong được góp sức trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của làng…”.